Phòng thí nghiệm Cơ học đất & Nền móng

Phòng thí nghiệm Cơ học đất & Nền móng đặt tại Phòng 201 - Tầng 2, Nhà A9, Khu Hiệu bộ, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, có các chứng năng khai thác chính bao gồm:

- Chức năng đào tạo: Cung cấp các bài thực hành cho môn học Cơ học đất với số lượng 15 – 20 SV/buổi;

- Chức năng lao động sản xuất: Tham gia lao động sản xuất để nâng cao kiến thức và kinh nghiệm cho giáo viên.           

1. Nguồn gốc, xuất xứ

Tính đến nay, Phòng thí nghiệm Cơ học đất & Nền móng đã được trang bị qua 3 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Từ những năm 1970, chủ yếu là các thiết bị viện trợ của Trung Quốc, Liên Xô (cũ), Ba Lan, Hung ga ri, Đức và một số dụng cụ thủy tinh mua sắm tại Việt Nam;

- Giai đoạn 2: Năm 1999, bằng nguồn ngân sách mua sắm thiết bị hàng năm;

- Giai đoạn 3: Năm 2001-2002, Phòng thí nghiệm được đầu tư, nâng cấp theo dự án “Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ Hàng hải và Đóng tàu trường Đại học Hàng hải” do Ngân hàng Thế giới tài trợ, chủ yếu mua sắm thiết bị thí nghiệm hiện trường.

2. Đặc trưng kỹ thuật

Phòng thí nghiệm Cơ học đất & nền móng có khả năng khoan thăm dò lấy mẫu hiện trường với độ sâu khảo sát tới 50m, bằng cả thiết bị khoan máy và dàn khoan tay cơ động; xác định động thái của tầng nước ngầm; đánh giá chỉ tiêu cơ lý đặc trưng của nền đất tại hiện trường bằng thí nghiệm xuyên tiêu chuẩn SPT; xuyên tĩnh CPT 50KN và thiết vị cắt cánh độ sâu đo 12m; đo độ chặt nền đường bằng Proctor tiêu chuẩn và cải tiến, xác định chỉ tiêu CBR; thí nghiệm 15 chỉ tiêu cơ học và vật lý đặc trưng của nền đất bằng các thí nghiệm trong phòng.